Bốn "ông lớn" ngân hàng và một số nhà băng tư nhân có sức khoẻ tốt hoặc tham gia tái cơ cấu vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng 1-4%.

Bốn "ông lớn" ngân hàng và một số nhà băng tư nhân có sức khoẻ tốt hoặc tham gia tái cơ cấu vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng 1-4%.

Sáng 7/9, các ngân hàng thương mại nhận được thông báo chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước về hạn mức tăng trưởng tín dụng mới của cả năm.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong năm nay. Các năm trước, nhà điều hành thường có 1-2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.

Kiên định với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm của hệ thống quanh mức 14%, nhà điều hành lần này thận trọng cấp thêm từ 1% đến 4% "room" tín dụng`so với mức cũ, tuỳ từng nhà băng.

Vietcombank - một trong hai nhà băng thị trường kỳ vọng có dư địa tăng trưởng cao nhất - vừa được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15%.

Chia sẻ với VnExpress, đại diện Vietcombank cho biết hạn mức tín dụng mới của cả năm là 17,7%. Hết tháng 8, nhà băng này đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm. Do đó, ngân hàng còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng trong 4 tháng còn lại của năm.

Với Agribank, ngân hàng 100% vốn nhà nước, cũng vừa được nới thêm room 3,5% so với mức cũ là 7%. Với quy mô dư nợ top đầu hệ thống, dự kiến nhà băng này còn dư địa khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường đến hết năm.

Hai nhà băng có vốn nhà nước còn lại cũng được nới room, nhưng ở mức khiêm tốn hơn. Còn với nhóm nhà băng tư nhân quy mô nhỏ hơn, mức nới tín dụng quanh 3% khá phổ biến.

Sacombank được giao thêm room 4% so với hạn mức cũ là 7%. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II, nhà băng này còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỷ đến hết năm.

Một nhà băng tư nhân khác (có kế hoạch nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém) cũng được cấp thêm room tín dụng khoảng 3%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng cả năm xoay quanh 14,5%. Room được nới cao so với mặt bằng, nhưng nhân viên tín dụng của nhà băng này cho biết khó lòng đáp ứng hết lượng hồ sơ đăng ký vay đang tồn đọng.

 

Nhìn chung, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế, một phần do các nhà băng đã tăng trưởng tín dụng mạnh từ nửa đầu năm.

Hết tháng 8, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Các nhà băng gần đây cũng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.

Mặc dù nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất cao sau dịch, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thận trọng khi cấp hạn mức tín dụng. Việc kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới khó lường khiến cơ quan này rơi vào thế khó.

Với ưu tiên kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm quanh mức 14%. Dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống còn lại hơn 4%, có thể phần nào giải toả cơn khát tín dụng nhưng khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Trong bối cảnh phải co kéo nguồn tín dụng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là ưu tiên phân bổ cho các nhà băng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn cao. Bên cạnh đó, những nhà băng đi đầu trong việc thực thi các chính sách Chính phủ như nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, hoặc tham gia vào việc tái cơ cấu nhà băng yếu kém cũng là những đơn vị được ưu tiên khi phân bổ tín dụng.

"Ở góc độ là một doanh nghiệp, chúng tôi đương nhiên không muốn bị giới hạn việc tăng trưởng", tổng giám đốc của một nhà băng tư nhân nói với VnExpess. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều lãnh đạo ngân hàng khác đều thừa nhận tầm quan trọng của việc ưu tiên kiểm soát lạm phát và hiểu với thế khó của nhà điều hành.

Đối diện với giai đoạn tăng trưởng chậm trong giai đoạn tới, lãnh đạo các nhà băng cho biết sẽ đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, tái cấu trúc lại danh mục và đẩy mạnh các dịch vụ khác. Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng không dễ dãi, các doanh nghiệp theo đó, cũng nên xem xét lại việc tăng gánh nặng cho vay, đặc biệt khi kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường.